Vậy, xuyên tâm liên là gì và tác dụng cụ thể của nó như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn nhé.
Xuyên tâm liên là gì?
Xuyên tâm liên, danh pháp khoa học là Andrographis paniculata, còn có những tên khác như công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, là một loại cây thân thảo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Cây Xuyên tâm liên là một loài cây thân thảo, có thân mọc thẳng đứng, chiều cao cây trưởng thành từ 30 – 80cm, có nhiều đốt, nhiều cành. Lá của xuyên tâm liên là lá nguyên, mềm, mọc đối xứng nhau, cuống lá ngắn, phiến lá hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác, hai đầu nhọn, bề mặt lá nhẵn. Mỗi chiếc lá dài từ 3 – 12cm, rộng 1-3cm.
Xuyên tâm liên nở hoa từ tháng 9 đến tháng 10, sau đó kết hạt. Tuổi thọ cây kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Xuyên tâm liên có nguồn gốc xa xưa thuộc Ấn Độ và Sri Lanka, được mang về trồng ở Nam Á, Đông Nam Á và hiện nay khá phổ biến ở Việt Nam.
Cây xuyên tâm liên có chứa những chất gì?
Trong toàn cây xuyên tâm liên, ngoài các vitamin A, B, C thì còn chứa 14 chất glucozit và flavon, với hoạt chất chính là andrographolide, ngoài ra còn chứa các acid hữu cơ, tanin, chất nhựa, đường,...
Trong lá xuyên tâm liên có các hoạt chất deoxyan-drographolide 0,1% hay hơn, andrographolide 1,5% hay hơn, neoandrographolide 0,2%, homoandrographolide, panicolide. Còn có andrographan, andrographon, andrographosterin.
Rễ chứa mono-O-methylwithtin, andrographin, panicolin, apigenin-7,4'-dimethyl ether.
Xuyên tâm liên trị bệnh gì?
Nói về công dụng xuyên tâm liên, theo giáo sư Ngô Tất Lợi, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ máu, giảm hiện tượng tích trữ nước trong cơ thể.
Trước khi nghiên cứu ra thuốc kháng sinh, người ta đã dùng lá và rễ của xuyên tâm liên để làm thuốc chữa các bệnh viêm nhiễm. Xuyên tâm liên được coi như một loại kháng sinh thực vật và được sử dụng để điều trị các chứng bệnh nhiễm khuẩn, cảm cúm thông thường... , là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó. Tuy nhiên từ khi kháng sinh ra đời, vị thuốc này dần bị thay thế và quên lãng.
Vì có chứa các thành phần làm giảm đau và kháng viêm tương tự aspirin, xuyên tâm liên thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng a-my-đan, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung, viêm nhiễm đường ruột (lỵ, trực trùng, nhiễm độc thức ăn, sình bụng, sôi bụng, ỉa chảy, bệnh tướt của trẻ em), huyết áp cao, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt, vết thương giải phẫu, bỏng.
Theo tài liệu y học giân dan của người Quảng Châu – Trung Quốc thì xuyên tâm liên được dùng để chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; giã ra và đắp ngoài để trị các vết do côn trùng cắn. Người ta sắc nước từ toàn bộ cây cùng với bồ công anh và cây sài đất để uống nhằm chữa viêm họng, viêm phế quản và bệnh tiêu chảy cấp.
Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam, người ta dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, tắc kinh nguyệt.
Xuyên tâm liên còn có tác dụng làm tăng số lượng và sức mạnh của bạch cầu trong cơ thể, từ đó giúp tăng cường khả năng phòng vệ của tế bào trước sự tấn công của các loại mầm bệnh.
Việc dùng nước sắc xuyên tâm liên, trà xuyên tâm liên hoặc viên xuyên tâm liên uống thường xuyên còn có tác dụng làm hạ huyết áp một cách an toàn.
Dùng xuyên tâm liên như thế nào cho đúng?
Theo bài thuốc của Giáo sư Ngô Tất Lợi, xuyên tâm liên có thể dùng theo các các như sau:
Sắc: Liều dùng 10-20g toàn cây sắc uống.
Giã: Tán bột uống mỗi ngày 2-4g, chia làm 2-3 lần.
Đắp ngoài: Dùng ngoài không kể liều lượng giã đắp lên ngoài vết thương hoặc nấu nước rửa. Có thể chế thuốc mỡ để bôi.
Đơn thuốc về xuyên tâm liên:
-
Để chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt, sưng tấy: Dùng 10-15g sắc uống, dùng riêng hoặc phối hợp với Kim ngân hoa, Sài đất.
-
Để chữa viêm miệng, viêm họng: Dùng vài ba lá Xuyên tâm liên nhai ngậm.
-
Để chữa viêm phổi, sưng a-my-đan: Dùng Xuyên tâm liên, Huyền sâm, Mạch môn, đều 10g sắc uống.