Đương quy là gì?
Đương quy không chỉ là một trong những vị thuốc đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ mà còn có nhiều tác dụng khác như bổ máu, hoạt huyết, giải độc… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng cũng như cách dùng của vị thuốc này.
Đương quy có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe
Tên khoa học: Angelica sinensis
Đương quy có nguồn gốc từ các vùng núi của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Chúng phát triển mạnh ở độ cao 2000 - 3000m với khí hậu lạnh và ẩm ướt. Ở Việt Nam hiện nay, đương quy cũng được trồng ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lâm Đồng.
Đương quy là một loại cây nhỏ sống lâu năm, cao 40 - 60cm. Thân hình trụ, phân nhánh nhiều, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 2 - 3 lần, có bẹ to ôm thân, là chét phía dưới có cuống, là chét phía trên đỉnh không có cuống. Hoa nhỏ màu trắng hoặc lục nhạt hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-36 hoa. Quả bế, dẹt và có rìa màu tím nhạt.
Thành phần hóa học có hoạt tính: Rễ Đương quy chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có 40% acid tự do. Một số thành phần tinh dầu chủ yếu: Ligustilide, n-butyliden phthalide, n-dodecanol, n-valerophenon-o- carboxylic acid. Ngoài ra, Đương quy còn chứa các hoạt chất nhóm furanocoumarin, phytosterol và nhiều loại vitamin khác.
1.Công dụng của đương quy
Đương quy là vị thuốc có tác dụng điều hòa kinh nguyệt
Theo y học cổ truyền, Đương quy được sử dụng trong các trường hợp: Kinh nguyệt không đều, tắt kinh, đau bụng kinh, mụn nhọt lở ngứa, đau nhức chân tay, cơ thể xanh xao, gầy yếu…
Theo y học hiện đại: Đương quy có tác dụng làm mạnh tuần hoàn, điều hòa kinh nguyệt, giải độc, chống oxy hóa…
2. Cách dùng đương quy
Bài thuốc Tứ vật thang trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh
Liều dùng
Liều thường dùng: 5 - 15g.
Liều dùng của Đương quy là khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng còn dựa trên loại bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi…
Cách dùng
Bài thuốc Tứ vật thang
Đương quy 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml. Tiến hành sắc đến khi còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, người mệt mỏi xanh xao.
Đương quy chữa rong kinh ở phụ nữ
Đương quy 12g, sinh địa 12g, bạch thược 16g, Xuyên khung, Cam thảo, A giao, Ngải diệp mỗi vị 8g, nước 800 ml. Tiến hành sắc nhỏ lửa đến khi còn nửa lượng nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Đương quy chữa ra mồ hôi trộm
Đương quy 20g (rửa rượu), Thục địa (nướng), Liên nhục (sao), Bạch thược (sao mật) mỗi vị 12g, Nhân sâm (sao) 6g, Phục thần 6g, Đơn sâm (rửa rượu) 4g, Mẫu đơn (rửa rượu) 4g, A giao (sao phồng) 4g, Cao quy bản 10g, Hạt ngũ vị (sao mật) 15g. Tiến hành sắc với 1 lít nước trên lửa nhỏ đến khi lượng nước còn khoảng 1 nửa, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Đương quy chữa cảm hàn
Đương quy 8g, Bạch thược 6g, Sài hồ 12g, Trần bì 12g, Cam thảo 4g, 3 lát Gừng tươi, 1 lít nước. Tiến hành sắc trên lửa nhỏ khoảng 30 phút, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc bổ máu
Đương quy 8g, Quế chi, Đại táo, Sinh khương mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g. Tiến hành sắc nhỏ lửa với 600ml nước đến khi lượng nước còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Đương quy chữa mất ngủ
Đương quy 100g, Viễn chí 40g, Xương bồ 40g, Táo nhân 60g, Ngũ vị tử 60g, Khởi tử 80g, Đởm tinh 40g, Thiên trúc hoàng 40g, Long cốt 40g, Ích trí nhân 60g, Chu sa 40g, Hồ đào nhục 80g, Bá tử nhân 60g. Đem tất cả nguyên liệu tán thành bột mịn và thêm mật ong vào làm thành viên 4g. Mỗi ngày uống 2 viên chia 2 lần, uống trong 15 ngày.
Đương quy chữa táo bón
Đương quy 4g, Thục địa 4g, Đại hoàng 4g, Cam thảo 4g, Đào nhân 4g, Sinh địa 3g, Thăng ma 3g, Hồng hoa 1g. Tiến hành sắc nhỏ lửa với 500ml nước đến khi lượng nước còn một nửa, chia làm 3 lần uống trong ngày.
3. Lưu ý khi sử dụng đương quy
Đương quy có vị cay, tính ôn nên người thể nhiệt không nên dùng thời gian dài.
Phụ nữ có thai, cho con bú hay có ý định có thai không nên dùng.
Người bị tiêu chảy không nên dùng vì Đương quy có tác dụng nhuận táo.
Những người đang dùng thuốc chống đông máu nên tránh dùng vì đương quy có thể làm tăng tác dụng của chúng.
Cần thận trọng khi dùng đương quy cho những người bị tiểu đường, viêm loét đường tiêu hóa.
Những người bị dị ứng với cà rốt, mùi tây, cần tây, thì là, rau má thì không nên dùng đương quy vì chúng thuộc cùng một họ.
Đương quy là vị thuốc có nhiều tác dụng và được dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hay các chuyên gia về thảo dược trước khi dùng. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về nguồn gốc, đặc điểm cũng như cách dùng của vị thuốc này.
Nguồn: Healthline, WebMD
Mời mọi người tham khảo sản phẩm Cao Đương Quy tại đây